Nét đẹp văn hóa ngày mùa ở vùng cao Tây Bắc

Mùa thu, những cánh đồng lúa trên rẻo cao Tây Bắc tràn ngập sắc thu vàng của nắng, của lúa đang chín rộ. Khắp nơi, tiếng nói, tiếng cười và không khí

Cánh đồng Tây Bắc chín vàng gọi mùa cốm ở bản Tày.

Phong tục ăn cơm mới

Sponsored Ad

Ăn cơm mới là một hoạt động không thể thiếu được của đồng bào Tày vùng cao Tây Bắc. Theo các bậc cao niên trong các bản Tày thì đây là một nét văn hóa bản địa có từ lâu đời, được người dân gìn giữ cho đến tận ngày nay. Đến ngày mùa, tuy hiện nay, công việc thu hoạch lúa có nhàn hạ hơn song người dân Tày vẫn tổ chức đến giúp nhau gặt lúa và tổ chức ăn cơm mới ngay sau vụ gặt để cùng nhau mừng mùa màng bội thu.

Lễ ăn cơm mới được người Tày tổ chức ngay trong ngày gặt lúa của gia đình. Từ lâu rồi, đây là một hoạt động quan trọng và thiêng liêng. Muốn có gạo mới, trước đó, người Tày gặt trước một khoảnh ruộng nhỏ rồi phơi lấy gạo mới để dùng cho lễ cơm mới trong mùa gặt. Tùy theo gia cảnh của mỗi nhà để tổ chức lễ ăn cơm mới cho đầm ấm và quây quần. Buổi sáng, những người anh em trong họ hay hàng xóm có mặt đông đủ để giúp gia chủ gặt lúa. Buổi chiều nếu trước đây họ giúp nhau đập lúa, tuốt lúa thì ngày nay có máy vò nên người Tày giúp nhau mang lúa về nhà. Đến buổi tối, lễ ăn cơm mới trong mỗi gia đình diễn ra.

Sponsored Ad

Những bó lúa nếp được hái từ ruộng đang độ chín dùng để làm cốm.

Sponsored Ad

Lễ ăn cơm mới của người Tày Tây Bắc được tổ chức hết sức văn minh, nhẹ nhàng, không phô trương. Gia chủ chuẩn bị gà, vịt, hoặc lợn cắp nách để làm đồ ăn trong lễ cơm mới. Dùng gạo nếp mới đồ xôi, gạo tẻ nấu cơm, gạo sữa làm cốm. Không khí của lễ ăn cơm mới trong mỗi gia đình Tày khá nhộn nhịp và ấm cúng. Mâm cỗ cơm mới được chuẩn bị chu đáo, đặt lên bàn thờ tổ tiên, người già trong nhà khấn cúng thần linh, thổ công và ma nhà, mời họ về ăn cơm mới để tạ ơn đã giúp cho gia đình trồng cây lúa được trĩu hạt, được mưa thuận gió hòa, thóc lúa đầy bồ, đầy sàn.

Sponsored Ad

Trên bàn thờ không thể thiếu những gói cốm được bọc bằng lá dong xanh ngắt, thơm nồng. Sau lễ cúng, tất cả anh em con cháu trong họ và gia đình cùng ngồi quây quần bên bếp lửa để ăn bữa cơm mới ngày mùa. Ai cũng vui, cũng phấn khởi khi được mùa, có bát cơm dẻo và gói cốm thơm. Những người trong họ và hàng xóm chúc gia chủ được mùa bội thu và họ bàn tính vụ sau sẽ cấy giống lúa gì.

Lễ ăn cơm mới của người Tày vùng Tây Bắc là một nét đẹp văn hóa cổ truyền ở vùng đất này. Hoạt động ấy nhắc nhở cho mỗi người dân bản Tày luôn coi cây lúa là nguồn sống của gia đình mình, cần gìn giữ và chăm sóc để có những mùa bội thu.

Sponsored Ad

Làm cốm - nét đẹp đậm sắc màu Tày

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa gặt tháng mười, người dân bản Tày Tây Bắc lại nô nức, tấp nập ra đồng thu hoạch lúa sau một vụ chăm sóc vất vả. Hạt lúa vàng được cõng trên lưng giọt mồ hôi theo người nông dân về bản để làm no cái bụng trong mùa đông giá lạnh. Dù mùa màng bận rộn đến mấy, người dân bản Tày cũng không quên hương vị thơm nồng của cốm mùa thu, một đặc sản bấy lâu nay người dân nơi đây vẫn tự tay chế biến để làm giàu vốn văn hóa ẩm thực bản mình. Vì vậy, mỗi khi mùa gặt về, các bản làng còn dậy lên cả không khí tấp nập, đông vui của việc chế biến cốm.

Sponsored Ad

Muốn có được những mẻ cốm ngon, dẻo và thơm, người nông dân các bản vùng Tây Bắc đã tự chọn cho mình giống lúa nếp chỉ có ở vùng này được lưu giữ và nhân giống từ bao vụ. Hạt lúa dài, tròn mẩy và đều tăm tắp. Dù nếp cấy dưới ruộng nước hay gieo trên nương rẫy nhưng khi ngắt lúa về làm cốm thì hạt phải còn chút sữa ở đầu hạt, vỏ hơi lam vàng một chút và gạo chưa chín hết. Thế mới làm được hạt cốm vừa dẻo vừa thơm. Lúa nếp ngắt về được người Tày chế biến luôn. Bởi nếu để mấy hôm sau mới làm thì sẽ mất đi nhiều hương thơm và độ dẻo của cốm. Sau khi sàng sảy lấy những hạt chắc, lúa được đưa vào rang sau đó cho vào cối đá giã đều cho bong hết vỏ trấu bên ngoài.

Sponsored Ad

Sau đó, cốm lúa được cho vào sàng sảy cho hết cám và vỏ trấu. Lúc này, những hạt cốm xanh tươi bắt đầu lộ dần. Nhưng để cho cốm dẻo và xanh hơn, người ta lại tiếp tục cho cốm vào cối để giã một lần nữa. Sau lần giã này, cốm được sàng lọc bỏ cám lần nữa vậy là xong một mẻ cốm. Có năm, nếu chót để lúa nếp hơi già tháng một chút, người Tày còn có cách chế biến thứ hai cũng khá công phu. Đó là cho lúa vào nồi luộc chín rồi mới mang đi giã. Theo họ, cách làm này sẽ tạo cho hạt cốm vị thơm và dẻo như cốm rang vậy.

Mùa này, về các bản Tày vùng Tây Bắc, trên những cánh đồng, người người tấp nập gặt lúa còn ở ven những con suối chảy từ đầu xã đến tận cuối xã lại là không khí mang đậm chất văn hóa ẩm thực chỉ có ở vùng đất này. Đó là không khí giã cốm của người dân hai bên bờ suối. Các ấm, các a, các pả mang cả chày cối, giần sàng ra bờ suối làm cốm cho vui. Một năm ở đây, có lẽ chỉ có những ngày mùa như thế này mới xuất hiện những hình ảnh đậm chất văn hóa ấy. Trong trang phục Tày truyền thống, người phụ Tày Tây Bắc trổ tài làm cốm. Người rang, người giã, người sàng sảy…không khí sao mà đông vui, bình yên và ấm áp đến vậy.

Hạt cốm Tày sau bao lần giã, sàng sảy tròn mẩy, xanh ngắt như lá dong rừng. Hạt cốm mềm mà dẻo, mười hạt đều cả mười trông hấp dẫn đến mấy. Cốm làm xong, người ta không quên ngắt những lá dong xanh ngắt trên rừng về để gói cốm. Hình như cái màu xanh thẫm của lá dong đã làm tôn thêm màu xanh tươi của hạt cốm. Và cái vị mát lạnh của dong rừng càng làm cho mùi thơm của cốm nếp thêm nồng. Cốm gói lá rong để vào gùi trông hấp dẫn biết mấy. Trong bữa mừng cơm mới, trên bàn thờ tổ tiên, người Tày không thể quên món cốm nếp được gói vuông vắn bằng lá dong đặt lên để báo cáo tổ tiên về vụ mùa bội thu. Và trong bữa cơm mới đầu tiên của mùa, từng hạt cốm nhỏ được người ta mời nhau, đưa vào miệng để nghe cái vị thơm, vị ngọt của “hạt ngọc” bản mình.

Cốm xanh là nét phong tục cổ truyền của đồng bào Tày Tây Bắc.

Lễ dâng Pang (Cốm)

Ngày mùa thu hoạch lúa là ngày đặc biệt quan trọng đối với người dân Tày ở Tây Bắc. Đây là dịp để đồng bào thu về những thành quả của mình sau những tháng ngày lao động cực nhọc. Đồng thời, vào ngày mùa, người Tày cũng làm lễ tạ ơn thần linh, trời đất đã phù hộ cho họ có được mưa thuận gió hòa, lúa ngô đầy bồ. Chính vì vậy, sau khi thu hoạch lúa xong, người Tày đã làm lễ dâng cốm (pang mẩu) ngay tại nhà sàn của mình. Nghi lễ này được phổ biến tại các bản Tày ở Tây Bắc. Việc chuẩn bị và tổ chức nghi lễ trang trọng này chủ yếu do các thầy cúng có uy tín và thầy then trong các bản Tày. Đây là dịp để người Tày dâng lên Ngọc Hoàng thượng đế và các vị thần những lễ vật để tri ân và tạ ơn, đồng thời cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt cho vụ sau được lúa đầy bồ.

Lễ vật dâng Pang mẩu gồm có cốm hạt, loỏng cốm chính chủ sau khi dần, sẩy sạch, đựng vào một vài bung, lấy lá dong bịt kín để riêng, chỉ có nàng then cất giữ vào cạnh tịnh then. Món cơm cốm được lấy nước luộc vịt để chế biến cơm cốm, phần thịt vịt làm nhân bánh cốm. Rưới nước luộc vịt đã tẩm gia vị vào nồi cốm hạt, sau đó múc cốm ẩm ra lá dong, gói cho vuông cạnh, hình vuông hoặc chữ nhật. Bánh cốm được chế biến bằng thịt vịt luộc chín tới, lọc thịt, băm thành viên nhỏ, xào qua với hạt dổi, nhân quả đài hái, bột đậu đen, một ít kiệu lá, hành hoa, tỏi bột để làm nhân. Cho nhân vào giữa cốm, dùng lá dong non gói cốm như gói bánh chưng, lấy lạt mềm buộc nhẹ.

Xếp bánh chõ nấu rượu hấp cho chín đều. Bánh cốm phải chín vừa tới, không bị nhão, không quá ngậy. Theo người dân bản Tày thì loại gạo nếp để giã cốm dâng thần linh phải được cấy ở thửa ruộng tốt, được chăm sóc tốt. Lễ dâng cốm là một phong tục cổ truyền của đồng bào Tày ở Tây Bắc được gìn giữ và tổ chức từ bao đời nay.

Những phong tục trong ngày mùa của người Tày vùng cao Tây Bắc mang nét đẹp văn hóa được người dân gìn giữ từ bao đời. Những hoạt động văn hóa đó in sâu vào nếp nghĩ của đồng bào và trở thành bản sắc chỉ có ở vùng Tây Bắc xa xôi./.


Bạn có thể cũng thích bài viết này