Vợ hiến tạng chồng đã chết não, bị gia đình chì chiết bán tạng kiếm tiền

Nén nỗi đau để quyết định hiến tạng chồng đã chết não cứu nhiều bệnh nhân đang nguy kịch nhưng đổi lại, người vợ lại bị gia đình chồng chì chiết, mang tiếng oan bán cơ thể của chồng kiếm tiền.

Đó là câu chuyện mà mỗi khi nhớ đến, những người làm công tác điều phối hiến ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) không khỏi xúc động.

Nỗi oan bán tạng người thân kiếm tiền

Theo đó vào thời điểm xảy ra sự việc, chồng của một phụ nữ ở Đồng Nai bị tai nạn giao thông nặng, dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng không thể qua khỏi. Dù bệnh nhân đã chết não nhưng một số phần nội tạng vẫn còn hoạt động được, có thể dùng để cứu cho các trường hợp bệnh mạn tính rất nặng, đang điều trị duy trì, cố chờ đến ngày ghép tạng.

Vợ hiến tạng chồng đã chết não, bị gia đình chì chiết bán tạng kiếm tiền  

Sponsored Ad

 Một trường hợp ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Sau khi được các bác sĩ chia sẻ kỹ càng, người vợ đã nén nỗi đau, chấp nhận ký vào lá đơn hiến tạng chồng cứu người. Nhờ vậy, nhiều cuộc đời mới sau đó đã được hồi sinh bằng các ca phẫu thuật ghép tạng. Nhưng đổi lại với nghĩa cử cao đẹp đó, ngày về của người vợ lại trở thành nỗi xót xa khi bị chính gia đình chồng nghi ngờ. Họ thậm chí chì chiết, cho rằng chị đã vì tiền mà "bán chồng".

Ngay khi biết sự việc đau lòng trên, các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến tận nhà người mất, mang kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân do Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng đến để giải nỗi oan cho người vợ. 

Sponsored Ad

"May mắn là đứa con trai của chị ấy rất hiểu chuyện, luôn bảo vệ mẹ hết mình trước mọi điều tiếng, nhờ vậy mà người vợ mới không suy sụp tinh thần" - ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại.

Vợ hiến tạng chồng đã chết não, bị gia đình chì chiết bán tạng kiếm tiền  

Sponsored Ad

 Một trường hợp hiến tạng người thân chết não cứu 6 người (Ảnh: Hoàng Lê).

Câu chuyện trên chỉ là một trong những ví dụ để các bác sĩ, các chuyên gia đầu ngành tìm cách hiện thực hóa ước mơ có một hệ thống quản lý hiến ghép tạng hoàn chỉnh, chuẩn hóa.

Sau 36 tháng nghiên cứu, "Mạng lưới quản lý trong tuyển chọn và điều phối thận hiến từ người hiến tạng sống, chết não hay ngừng tuần hoàn" giữa Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng 2 đã chính thức được công bố vào ngày 23/6. Đây cũng là hệ thống quản lý phần mềm trong lĩnh vực hiến ghép tạng đầu tiên tại Việt Nam.

Sponsored Ad

Hệ thống giúp loại trừ việc trục lợi trong ghép tạng

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hệ thống trên có các tiêu chuẩn tiếp nhận, tuyển chọn rõ ràng, minh bạch và sự kiểm soát chặt chẽ.

Vợ hiến tạng chồng đã chết não, bị gia đình chì chiết bán tạng kiếm tiền  

Sponsored Ad

 Nhiều trường hợp hiến tạng người thân vì mục đích nhân đạo nhưng bị điều tiếng oan (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Người bệnh ở các nơi có thể đăng ký vào danh sách chờ tại cổng thông tin hiến và ghép mô tạng (http://dieuphoigheptangtphochiminh.vn/). Khi có một người hiến tạng mới, các bác sĩ sẽ nạp thông tin vào hệ thống, mã hóa để tìm người chờ ghép tương thích.

Trong danh sách chờ ghép có nhiều hạng mục, có các thứ tự điểm ưu tiên từ cao xuống thấp (dựa trên các chỉ số như độ tuổi, thời gian chờ ghép, người từng hiến tạng, độ hòa hợp...). Nếu bác sĩ cố tình tuyển chọn bệnh nhân vì mục đích cá nhân nhưng có điểm ưu tiên thấp, hệ thống sẽ không cho phép, và các thông tin này những người có trên hệ thống đều biết được.

Sponsored Ad

Việc này cũng giúp tránh được tình trạng khi có một nguồn tạng hiến nhưng nhiều bệnh viện đều có bệnh nhân cần nhận tạng, phản ứng khi không chọn bệnh nhân của mình.

Vợ hiến tạng chồng đã chết não, bị gia đình chì chiết bán tạng kiếm tiền  

Sponsored Ad

 TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: Hoàng Lê).

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, vấn đề cộng đồng lo lắng nhất trong việc hiến ghép tạng là việc buôn bán tạng, ưu tiên ghép cho người quen. Hệ thống trên giúp hỗ trợ tính công khai, minh bạch, công bằng.

Các bác sĩ chia sẻ, trước đây để phân phối nguồn tạng hiến, hội đồng chuyên môn sẽ được thiết lập để kiểm tra thông tin bệnh nhân trong danh sách chờ. Sau khi danh sách được các chuyên gia chọn lựa độc lập sẽ đưa ra cho hội đồng phê duyệt quyết định. Vì làm bằng tay, theo ý kiến chủ quan của từng người nên có thể dẫn đến cảm tính.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đến nay nơi đây đã thực hiện 21 ca ghép thận cho bệnh nhi, nhưng trước giờ chỉ ghép thận từ người cho cùng huyết thống, nên chưa đặt đến vấn đề ưu tiên. Còn rất nhiều bệnh nhân suy gan, suy thận nặng khác, cần nguồn tạng từ người cho chết não. Do đó, khi bệnh viện mở ra lĩnh vực này thì hệ thống điều phối rất quan trọng.

Vợ hiến tạng chồng đã chết não, bị gia đình chì chiết bán tạng kiếm tiền  

 Hệ thống quản lý hiến ghép tạng bằng phần mềm sẽ giúp loại trừ việc buôn bán tạng, ưu tiên ghép cho người quen (Ảnh: Hoàng Lê).

Đại diện Bệnh viện Thống Nhất cho rằng, có hệ thống quản lý điều phối sẽ giúp tăng số lượng người ghép tạng, đặc biệt là người cho chết não.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu cho biết, phần mềm quản lý trên  hiện mới thực hiện cục bộ ở 3 bệnh viện. Khi đã nghiệm thu, hệ thống sẽ được báo cáo cho Bộ Y tế, để có thể triển khai trên bình diện cả nước. 

ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy nhìn nhận, có hệ thống quản lý sẽ giúp y bác sĩ khẳng định với gia đình người hiến việc ghép tạng minh bạch, từ đó sẽ không còn ai bị mang tiếng oan bán tạng người thân. Đồng thời cũng giúp các mạnh thường quân có sự tin tưởng để giúp đỡ, hỗ trợ cho bệnh nhân hiến ghép tạng.

Bạn có thể cũng thích bài viết này