Cúm mùa đang gia tăng, nếu thấy con có các triệu chứng này, cần cho trẻ đi khám ngay

Cúm mùa đang có chiều hướng gia tăng và để lại nhiều biến chứng nặng. Do đó, bố mẹ cần lưu ý trong việc phòng bệnh cho con.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm. Trong đó, 3-5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250.000 - 500.000 người tử vong.

Tại Việt Nam, mỗi năm có từ 1 - 1,8 triệu trường hợp mắc cúm. Nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A (H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Thời điểm bệnh nhân bị cúm nhiều nhất thường là mùa đông và giao mùa đông xuân.

Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh cúm lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua dịch tiết nước bọt khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.

Sponsored Ad

Ở trẻ em hoặc người lớn, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng như: Sốt; thỉnh thoảng có cảm giác ớn lạnh; nhức đầu; đau nhức cơ bắp; chóng mặt; ăn không ngon; mệt mỏi; ho; đau họng; chảy nước mũi; buồn nôn, có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy.

Sponsored Ad

Nhiều trẻ phải nhập viện do nhiễm cúm mùa. 

Sau vài ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một đến hai tuần nếu người bệnh được điều trị và chăm sóc hợp lý.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Lâm, thông thường cúm mùa tiến triển lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em (dưới 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa tạng dẫn đến tử vong.

Sponsored Ad

Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh cúm thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường nên nhiều bố mẹ có tâm lý chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà cho con. Điều này có thể dẫn đến những nguy cơ gặp biến chứng nặng nếu điều trị không đúng cách.

Theo đó, bố mẹ cần phân biệt rõ các dấu hiệu nhận biết giữa cảm cúm với cảm lạnh để tránh gây hại cho con. Cụ thể, nếu trẻ chỉ bị cảm lạnh thông thường, dấu hiệu thường thấy là trẻ bị đau họng (có thể biến mất sau 1-2 ngày), sau đó là các biểu hiện ở mũi như: Chảy nước mũi, tắc mũi (ban đầu là chảy nước mũi trong, dần dần sau đó dịch mũi đặc lại), kèm với ho vào ngày thứ 4 và 5 của bệnh. Trẻ có thể bị sốt nhẹ và bệnh thường chỉ kéo trong khoảng 1 tuần là khỏi.

Sponsored Ad

Trong khi đó, biểu hiện của cúm lại thường nặng hơn. Bên cạnh các triệu chứng đã đề cập ở trên, bố mẹ cần lưu ý, cúm mùa thường sốt cao đột ngột và đau nhức khắp cơ thể. Do đó, nếu thấy trẻ liên tục kêu đau đầu, đau cơ bắp, người mệt lả hoặc với những trẻ còn nhỏ, chưa biết nói, thấy trẻ quấy khóc liên miên không nín, bố mẹ nên nghĩ đến trường hợp trẻ đã mắc cúm.

Để phòng bệnh cúm cho con trong đợt “cao điểm” dễ mắc cúm này, các chuyên gia khuyến cáo, trước tiên bố mẹ phải nâng cao sức để kháng cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày; rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng xà bông, đặc biệt trước khi ăn; thường xuyên cọ rửa sàn nhà, đồ chơi, vệ sinh núm vú giả. giáo dục trẻ không ngậm tay hay mút đồ chơi.

Sponsored Ad

Bên cạnh đó, tránh không cho trẻ tiếp xúc với người đang có biểu hiện bệnh như: Sốt, ho, sổ mũi... Trong mùa dịch bệnh, nên hạn chế cho trẻ tới nơi đông người. Đối với người lớn, khi ở nơi đông người về thì cần vệ sinh sạch sẽ, thay quần áo trước khi tiếp xúc với trẻ.

Ngoài ra, tiêm vaccine phòng ngừa cúm mùa được coi là biện pháp bảo vệ trẻ khỏi mắc bệnh một cách hiệu quả. Theo đó, khi trẻ trên 6 tháng tuổi, bố mẹ đã có thể cho trẻ đi tiêm phòng cúm. Với những trẻ dưới 9 tuổi, nên tiêm 2 mũi khi tiêm lần đầu (mũi thứ 2 cách mũi 1 ít nhất 4 tuần).

Người lớn và trẻ đã từng tiêm phòng cúm thì mỗi năm tiêm 1 mũi vì virus cúm thay đổi kháng khuyên hàng năm. Nên tiêm đón đầu trước mùa bệnh từ 1-2 tháng để đạt hiệu quả cao nhất.


Bạn có thể cũng thích bài viết này