Những câu chuyện buồn khi đàn ông ngoại tình

Cách đây vài năm, tôi được xác nhận là có bệnh, chứng rối loạn âu lo khi tiếp xúc, quan hệ thân mật với người khác giới.

Nguyên nhân do tôi bị ám ảnh từ nhỏ khi chứng kiến cha ngoại tình. Có lẽ bạn không tin nhưng tôi không thể quan hệ với đàn ông vì luôn cảm thấy lo lắng, đổ mồ hôi, có lúc khóc hoặc có cảm giác nôn mửa. Tôi không ngần ngại làm quen và tìm hiểu nhiều người nhưng không cải thiện được nỗi sợ này.

Một người chị quen biết qua hội tình nguyện cũng có bệnh này, lý do là chị biết chồng bao nuôi người khác. Vợ chồng chị tầm 40 tuổi, là cặp trai tài gái sắc, có con cái xinh xắn. Chồng làm giám đốc một công ty nước ngoài, chị xinh đẹp lại kinh doanh giỏi. Điều khác nhau là chị lớn lên từ một gia đình nghèo, thiếu hạnh phúc nên luôn trân trọng giá trị gia đình. Gia đình chồng hạnh phúc và vui vẻ, có lẽ vậy nên anh chồng không hiểu được sự khao khát một gia đình đơn giản là gì. Anh lại giàu lòng nhân ái khi thấy một em gái đẹp khác nghèo nên muốn cưu mang và cho nương tựa khoảng hai năm. Chị vợ bình tĩnh hỏi liệu giữa hai vợ chồng có khoảng cách gì hay chuyện tình dục anh không thỏa mãn sao? Anh chỉ im lặng vì chẳng có lý do gì cả ngoài tính tham lam.

Sponsored Ad

Chuyện của chị không mới và tôi đã chứng kiến rất nhiều người vợ bỏ qua cho chồng vì đó chỉ là sai lầm lúc ham vui. Thật không may, chị bạn tôi lại luôn cảm thấy ghê chồng mỗi lần gần gũi, ngày càng tệ khi chị có biểu hiện ghê sợ chồng. Chị đi khám bác sĩ, chồng chị biết, xin lỗi và hứa bù đắp. Hai người không quan hệ từ đó vì chị chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, một năm sau đó chị lại phát hiện chồng mình thỏa mãn tình dục nơi khác. Chị quyết định ly hôn vì không thể nhắm một mắt để chồng đi với gái. Từ một gia đình hạnh phúc với bao người thèm khát giờ đã tan tành, thậm chí chị lại mang thêm căn bệnh tâm lý do người mình yêu nhất gây ra.

Sponsored Ad

Một cô bé cũng có bệnh tâm lý tương tự khi biết ba mình bao nuôi "sugar baby". Em ấy rất quấn ba, luôn lo lắng rằng ba làm việc có mệt không. Những lúc ba nói bận, em luôn biết điều, chờ đợi ba về. Chỉ trong một đêm, em từ một bông hoa xinh đẹp trở thành bông tuyết lạnh nhạt. Hóa ra những lúc ba nói bận chính là đang ở khách sạn hoặc resort với bồ nhí. Chuyện xảy ra khi em 14 tuổi. Năm 18 tuổi, em xin được học bổng toàn phần tại các trường đại học Mỹ nhưng muốn nghỉ một năm để trải nghiệm cuộc sống. Mẹ em thấy em tự lập và không có biểu hiện gì khác lạ nên cho ở riêng trước khi đi du học.

Sponsored Ad

Một bi kịch không ai ngờ tới là em qua lại với người đàn ông theo kiểu sugar baby và sugar daddy. Em đã hét lên với ba mình: "Có thể một ngày ông sẽ thấy tôi đi bên cạnh đối tác của ông đấy". Ba cho em một bạt tai, em ngay lập tức đẩy ông ngã và bảo: "Tôi muốn ông nhớ đến ánh mắt này của tôi mỗi khi ông đi với người tình". Các bạn độc giả với vai trò cha mẹ có suy nghĩ gì khi con gái của mình nói một câu như vậy?

Tôi được mẹ cô bé nhờ khuyên em ấy vì hai chị em trước đó có chơi với nhau. Mẹ em sợ rằng khi qua nước ngoài em sẽ sa đà vào đời sống tình dục. Em hận bố mình nhưng cũng ghét mẹ khi để sự tự tôn của mẹ bị bố chà đạp rồi lại chịu đựng khóc thầm. Em thà không có bố còn hơn sống trong ngôi nhà như thế. Tôi kể em nghe chuyện của mình và hai chị em ngồi khóc. Tôi lôi em vào bệnh viện ngồi từ tối đến đêm. Trong ba giờ đồng hồ đó, bác sĩ đã thông báo cho ba gia đình rằng người thân họ không qua khỏi. Tôi muốn cho em biết có nhiều người đang giành giật từng giây để sống, cần phải sống tốt khi mình đã có mặt trên đời. Em ngồi khóc to như một đứa con nít. Tôi khuyên mẹ em cho em đến công ty tôi làm việc và em đồng ý. Điều tôi muốn em hiểu là phải yêu bản thân.

Sponsored Ad

Thế đấy, một người bố gây ra vết thương tinh thần với con gái ruột và đem sung sướng cho "con gái nuôi". Trong lúc ngôi nhà của mình tan tành thì cô bồ nhí ngồi biệt thự máy lạnh sung sướng. Sau này em kể thật với tôi là em không tiếp xúc thân thể với người khác giới vì sợ điều đó. Em nói có lẽ sẽ không bao giờ nhìn mặt bố nữa. Ngày xưa còn trẻ, quê mùa, thiếu kinh nghiệm, tôi cứ nghĩ chỉ có những người tri thức kém hoặc gia đình tệ nạn xã hội như nhà tôi (cái xấu gì trên đời này cũng dính) thì cha mẹ mới xem chuyện ngoại tình là bình thường và không nghĩ đến tổn thương của con cái. Sau này trải đời hơn tôi mới thấm câu nói: "Không sợ lưu manh, chỉ sợ lưu manh có văn hóa". Những người càng học cao, giàu có và có địa vị thì suy nghĩ càng tinh vi hơn.

Sponsored Ad

Thời sinh viên, tôi từng bị "dụ" rất ngọt ngào bởi một anh có tiền, địa vị xã hội, hơn tôi 20 tuổi. Anh ta trải đời và kiên nhẫn, tán tỉnh rất ngọt ngào, chu đáo, hay tặng quà, thậm chí sẵn sàng tặng nhà với thái độ chân thành "muốn lo lắng, bảo vệ và đem hạnh phúc cho em" mà không đòi hỏi đáp lại. Một cô gái quê khó khăn, nghèo, khi thấy vật chất như vậy thật choáng váng. Tôi rất tỉnh táo để nghi ngờ, tuổi này mà chưa vợ sao? Anh kể là sống không hạnh phúc với vợ từ lúc mới cưới nhưng lỡ có con rồi nên không dám ly hôn vì tội con cái (ông nào đi ngoại tình chẳng nói thế). Anh ta nói rằng vợ chồng đã ly thân, sống riêng hơn hai năm rồi (mặt rất chân thành). Tôi tỉnh táo và biết mình đang bị gạ làm bồ nhí cho anh ta thôi. Vì thế tôi loại ngay dù rất ngưỡng mộ năng lực và kinh nghiệm của người đó anh ta.

Sponsored Ad

Tôi tự hỏi liệu có công bằng khi người bị tổn thương luôn được khuyên hãy tha thứ cho người khác. Tôi từng tức giận khi nghe điều đó. Có hai kiểu người phản bội mà tôi từng chứng kiến và trải nghiệm. Những kẻ có đạo đức thì lâu lâu cô đơn vào những đêm khuya, nghĩ về chuyện quá khứ cảm thấy day dứt. Tuy nhiên, qua ngày mai họ lại bị cuốn theo cuộc sống bận rộn, đâu còn nhớ gì nữa. Những người không có đạo đức thì kiểu "biết rồi nói mãi", "chuyện qua rồi nhắc làm gì thật mệt mỏi", thậm chí còn chán ghét đối tác vì phiền phức. Họ là người gây ra sóng thần nhưng muốn bình yên, không phải trải qua giông bão.

Sponsored Ad

Chúng ta quên mất rằng điều khó học nhất trên đời này là học tha thứ. Không những tha thứ cho người khác mà quan trọng hơn là tha thứ cho bản thân và buông tha cho quá khứ. Nếu không thì bản thân sẽ dằn vặt mà không có ngày vui vẻ. Đó là một quá trình dài cần đủ kinh nghiệm sống và bản lĩnh để hiểu được. Tôi vẫn chưa tốt nghiệp được khóa học này.

Tôi quan sát một cặp vợ chồng đại gia lớn tuổi. Chồng có "em gái họ nuôi" nhưng vợ mắt nhắm mắt mở. Câu chuyện rất phổ biến đúng không? Người vợ không phải người nhu nhược hay ngu ngốc, không có tự tôn, cũng không phải "ông ăn chả bà ăn nem" hay chịu đựng vì con cái. Vậy tôi tự hỏi vì sao họ chịu thế? Bác gái nói phải cân nhắc, so sánh việc cả đời và một đoạn thời gian. Hơn nữa, có những giai đoạn trong cuộc đời dài thì tình dục không còn quan trọng nữa.

Lúc trẻ có thể tình dục quan trọng, đến một độ tuổi như bác có những thứ đẹp hơn cả tình dục. Có lẽ người trẻ như tôi, độ tuổi 30, vẫn không đủ vị tha và độ "chín" để có suy nghĩ của những người độ tuổi 50-70. Làm sao tôi và cô bé đó có thể "bị" bắt vào tình thế học cách quản lý cảm xúc và tha thứ ở độ tuổi còn rất trẻ, để không phải mang tổn thương vào người? Quyền lợi được hưởng hạnh phúc của trẻ em thật xa xỉ.

Làm thế nào để học tha thứ nhanh chóng? Làm thế nào để vượt qua bệnh tâm lý này? Những ai bị phản bội mà chưa vượt qua được, hãy nhìn chúng tôi nhé, ít nhất các bạn không bị mắc bệnh vào người. Thời gian sẽ làm mờ đi tất cả nhưng "bệnh" sẽ cần nhiều cố gắng hơn để chữa trị. Không phải ai bị phản bội cũng bị bệnh như chúng tôi, nhưng không ai có thể dám chắc rằng bạn sẽ không đẩy vợ, chồng, con cái mình vào hoàn cảnh như thế.

Bạn có thể cũng thích bài viết này