Vụ trẻ 5 tuổi tử vong nghi bị bạo hành ở cơ sở nuôi giữ người khuyết tật: Bị đạp nhiều lần vào vùng bụng, lưng vì nôn ói khi ăn
Bước đầu, công an xác định trẻ khuyết tật tử vong ở Gia Lai đã bị đánh đập trong lúc cháu được cho ăn.
Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, ngày 7/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết đang tiếp tục điều tra vụ cháu HDTK, 5 tuổi, tử vong tại cơ sở nuôi giữ người khuyết tật không phép 57 Trần Nhật Duật, phường Ia Kring, TP Pleiku.
Theo thông tin ban đầu, cơ quan điều tra đã xác định cháu HDTK bị đánh đập trước khi nhập viện.
Theo trình báo của bà Phạm Thị Hồng, chủ cơ sở nuôi giữ người khuyết tật 57 Trần Nhật Duật, khoảng 12 giờ ngày 1/9, bà Hồng nhờ NND (21 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP Pleiku) cho cháu HDTK là trẻ khuyết tật ăn cơm. D là người khuyết tật dạng thần kinh, đang được nuôi dưỡng tại cơ sở này.
Sponsored Ad
Cơ sở nuôi giữ người khuyết tật không phép 57 Trần Nhật Duật – Ảnh: PLO
D dẫn cháu K vào phòng nghỉ trưa, đóng cửa lại và đút cơm. Trong lúc ăn, cháu K bị ói nên D dùng chân đạp nhiều lần vào vùng bụng, lưng của cháu. Thấy cháu K bất tỉnh, D gọi bà Hồng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai.
Cháu K nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở và tử vong tại bệnh viện.
Hiện Công an TP Pleiku giao cho bà Phạm Thị Hồng bảo lãnh, quản lý để tiếp tục phục vụ điều tra.
Trước đó, dẫn tin từ báo Công Lý, vào ngày 1/9, Công an tỉnh Gia Lai nhận được tin báo về việc tại điểm nuôi trẻ khuyết tật số 57 Trần Nhật Duật có 1 trẻ khuyết tật đang được nuôi dưỡng tử vong có dấu hiệu bị bạo hành. Nạn nhân là cháu HDTK là trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ được gia đình đưa đến điểm nuôi trẻ khuyết tật số 57 Trần Nhật Duật để nuôi dưỡng từ tháng 6/2024.
Sponsored Ad
Điểm nuôi trẻ khuyết tật số 57 Trần Nhật Duật, hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 35 trẻ bị khuyết tật về trí tuệ – Ảnh: Công Lý
Ngay sau khi nhận được tin báo, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an TP Pleiku phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, VKSND TP Pleiku và các đơn vị chức năng liên quan tập trung điều tra, làm rõ vụ việc; đồng thời, báo cáo, tham mưu chính quyền địa phương kiểm tra các điều kiện hoạt động của điểm nuôi trẻ, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
Qua xác minh ban đầu, điểm nuôi trẻ khuyết tật số 57 Trần Nhật Duật do bà Phạm Thị Hồng (SN 1957, trú phường Ia Kring) làm chủ, hoạt động từ năm 2016 đến nay nhưng không có giấy phép, hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 35 trẻ bị khuyết tật về trí tuệ.