Có nên bắt con phải nhất nhất vâng lời?

Trẻ luôn luôn vâng lời là điều cha mẹ thường mong muốn. Nhưng điều đó có thực sự là tốt?

Người Việt ta luôn mong con ngoan ngoãn. Điều ấy không có gì sai. Điều đáng nói nằm ở chỗ, ai cũng cho rằng biểu hiện của sự ngoan ngoãn, chính là vâng lời. Khi dặn dò trẻ em, không ai là không “mong cháu/con/em ngoan ngoãn, vâng lời ông bà, bố mẹ, thầy cô”. Mỗi trẻ em khi đi học phải có mục tiêu phấn đấu là “trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”. Trẻ vâng lời sẽ được khen, trái lời ông bà cha mẹ thầy cô thì bị mắng, bị ghét, bị quy kết là hư hỏng.

Ít ai biết rằng, thói quen luôn luôn vâng lời là vô cùng nguy hại đối với sự phát triển tư duy của trẻ.

Sponsored Ad

Trẻ có thói quen luôn luôn vâng lời, sẽ đánh mất sự độc lập suy nghĩ của bản thân. Mọi thứ đã có người lớn suy nghĩ hộ, quyết định hộ, chỉ việc nhất nhất làm theo. Trước những tình huống xảy ra trong cuộc sống, trẻ thường có thái độ e dè, thụ động, thiếu linh hoạt, khả năng ứng phó với tình thế kém.

Sponsored Ad

Ngay từ lớp mẫu giáo, trẻ con đã được dạy rằng phải luôn luôn biết vâng lời

Thói quen ấy cũng tạo nên thái độ cúi đầu cam chịu, thấy đúng không dám ủng hộ, thấy sai không dám phản đối, nếu điều ấy là trái ý lãnh đạo, người trên. Có người cả đời đi làm không dám góp ý, chỉ ra cái sai của người lãnh đạo, sống luồn cúi, nịnh bợ cấp trên. Có người từ bỏ cả tổ ấm hiện tại để xây hạnh phúc mới vì nghe lời bố mẹ, phải có con trai nối dõi tông đường.

Đối với những trẻ có cá tính mạnh, nếu luôn luôn bắt trẻ phải vâng lời, khi trong trẻ hình thành những suy nghĩ độc lập, trái với suy nghĩ, quan niệm của người lớn, trẻ có xu hướng giấu biệt, không chia sẻ. Mối giao tiếp liên hệ giữa cha mẹ, ông bà, thầy cô với trẻ trở nên lỏng lẻo, càng ngày càng cách biệt. Trẻ trở nên đơn độc, khó gần, nhất là khi gặp khó khăn.

Sponsored Ad

Đấy là chưa nói, khi người lớn suy nghĩ, hành xử không chuẩn mực mà lại luôn luôn bắt trẻ phải nhất nhất vâng lời, thì điều đó là vô cùng phản giáo dục. Sự chống đối ngấm ngầm sẽ dần dần bộc lộ, và ngày càng rõ nét hơn khi trẻ bước vào độ tuổi vị thành niên. Khi ấy, bắt trẻ vâng lời là không tưởng, nhiều trẻ bỏ học, có xu hướng bạo lực, sa vào ma túy.

Sponsored Ad

Đôi khi, trẻ không vâng lời là do cách ứng xử chưa chuẩn mực ở người lớn

Trẻ vâng lời là cần thiết, nhưng làm sao để trẻ biết vâng lời một cách có ý thức, chứ không phải luôn vâng lời một cách máy móc, như một thói quen. Rõ ràng, cha mẹ cần hình thành cho trẻ một tư duy phản biện, nhận biết đúng sai, để trẻ tự quyết ngay từ khi còn nhỏ.

Phản biện là để tránh tư duy một chiều rập khuôn máy móc. Phản biện là để biết phân biệt đúng sai phải trái, biết được điều gì nên làm theo, điều gì không nên chứ không phải chỉ biết cúi đầu răm rắp nghe lời

Phản biện để phát huy óc sáng tạo, suy nghĩ linh hoạt, cách giải quyết vấn đề thấu đáo, trọn vẹn.

Sponsored Ad

Biết phản biện để tăng cường khả năng hội nhập, khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm, những năng lực hết sức cần thiết cho lớp trẻ trong xã hội ngày nay.

Biết phản biện để có tư duy lãnh đạo, chứ không phải một thứ tư duy thụ động, xuôi chiều, nô lệ, phụ thuộc khi nhất nhất chỉ biết vâng lời.

Để con hình thành tư duy phản biện, cha mẹ hãy dạy con cách đặt câu hỏi tại sao, như thế nào, tìm căn nguyên của sự việc. Khi con có thói quen nhìn nhận mọi việc một cách thấu đáo, sâu sắc, con sẽ có khả năng phân biệt đúng sai, phải trái.

Sponsored Ad

Trẻ cần được rèn luyện óc phản biện và tư duy độc lập, để biết phân biệt đúng sai, phải trái

Cha mẹ, người lớn tránh giữ vị trí độc tôn, mà nên cởi mở, làm bạn của con, khiến cho con cảm thấy được tôn trọng. Dạy con học cách tôn trọng người khác dựa trên giá trị thực của bản thân họ, chứ không phải vì vị trí, địa vị của họ.

Khuyến khích những suy nghĩ độc lập, những cách làm sáng tạo của con. Hướng con đến một tư duy mở, không bị rập khuôn bởi những công thức, những lối đi đã cũ mòn.

Cha mẹ, người lớn cần luôn luôn làm gương cho con. Hãy để con vâng lời vì thấy làm như vậy là đúng, chứ không phải vâng lời vì thói quen hay bị bắt ép.

Con không vâng lời, chưa hẳn là trẻ đã hư hỏng, không ngoan, mà có thể là cách hành xử của người lớn chưa phù hợp. Khi con bạn ý thức được đúng sai, phải trái, trẻ sẽ biết khi nào nên vâng lời, khi nào nên phản ứng. Tôn trọng con, hình thành cho con tư duy phản biện, chính là cách cha mẹ xây dựng cho con một nền tảng nhân cách tốt, một tương lai vững vàng.

Bạn có thể cũng thích bài viết này